( Mẹ muốn luôn là bạn của Nhím)
Không hiểu sao, dạo này Nhím rất hay chống đối mẹ, hay cãi lại mẹ, hay không nghe theo lời mẹ bảo… mẹ thường xuyên phải dùng đến cái que nhỏ để ra oai. Biết thực chất việc này là không nên nhưng vì hiện tại mẹ không biết dùng phương pháp gì cả. Đọc blog của chú Tú, viết cho Pi về quyền sở hữu mẹ cũng lo lo. Mẹ thấy đây đúng là những suy nghĩ rất chính xác, rất đúng với những suy nghĩ của bố Hanh, nên mẹ sẽ mượn chú Tú sang đây để thỉnh thoảng vào đây đọc, suy nghĩ các yêu thương Nhím. Hay tại mẹ không cho Nhím độc lập trong suy nghĩ, hay mẹ chiều Nhím quá, hoá làm Nhím hư. Đúng là mẹ hay áp đặt con theo ý thích của mẹ, mẹ hay bắt con ngồi vào đàn mặc dù con chỉ thích chỉnh các âm hổ vồ, sư tử gầm… để nghich chứ chả thích chơi đàn hay tìm hiểu đàn đúng nghĩa. Mẹ thích con vẽ tranh, con chỉ nguệch ngoạc vài nét cho xong, cắt dán cũng vài hôm là chán… vậy rồi lại là các trò siêu nhân, người dơi, bi a …. chạy nhảy khắp nhà. Tuy nhiên mẹ chỉ muốn khám phá các khả năng của con để bồi dưỡng thôi, mẹ hứa sẽ không làm Nhím nghẹt thở và đủ cho con có 1 tuổi thơ thanh bình nhất. Nhím sẽ không của mẹ, của bố, nhím sẽ mãi chỉ của riêng Nhím thôi. Bố mẹ chỉ có quyền duy nhất là “ Yêu thương” Nhím, còn ngoài ra mẹ và bố sẽ luôn là người bạn tận tuỵ của Nhím nữa. Hôm nay mẹ tự dưng yếu đuối uỷ mị quá đi
Đó là lúc tôi nằm trên bàn sanh, cắn răng đợi bác sĩ khâu tầng sinh môn. Tôi thở một hơi dài, thầm nghĩ : “Mình có một đứa con! Kỳ diệu sao, đứa trẻ bé bỏng và xinh đẹp đó thuộc về mình!”.
Và ngay lúc đó, khi tôi nhìn con đang được cô y tá cân đo dưới ánh đèn vàng sưởi ấm, thậm chí còn chưa thẩm thấu hết niềm hạnh phúc đang dâng tràn, trái tim tôi chợt đau nhói với ý nghĩ “Mình sai rồi!”.
Khi bạn có một ngôi nhà, điều đó có nghĩa là bạn sở hữu một ngôi nhà. Bạn được quyền bán đi, xây lại, sơn tường, phá cửa...Nhưng khi bạn có một đứa con, điều đó không có nghĩa là bạn sở hữu đứa con của mình. Ta hoàn toàn không có quyền chi phối cuộc đời con mình, theo như những cách ta hằng mơ tưởng. Quyền duy nhất mà ta có, là yêu thương.
Ngay phút đầu tiên nhìn thấy con trai mình, tôi đã nhận ra điều đó. Con không thuộc về tôi. Con là một thực thể tách rời.
Đứa con bé bỏng của tôi. Dù chỉ dài 49cm và nặng chưa đầy 2,7kg, nó cũng không thuộc về tôi, không thuộc về ba nó hay bất cứ ai khác.
Đứa con bé bỏng của tôi. Dù tôi có thể tự hào đã nuôi dưỡng nó suốt 6 tháng trời hoàn toàn bằng sữa mẹ, và vẫn không dứt sữa cho đến hơn hai năm sau, thì nó vẫn không thuộc về tôi.
Dù khi ba tôi vào Sài Gòn thăm cháu ngoại đầu lòng, đã thốt lên rằng: “Ôi, hình như con người là sinh vật yếu ớt nhất trên trái đất! Con chó con một tháng đã biết đi, còn con người một tháng vẫn nằm khóc oe oe thế này, lệ thuộc hoàn toàn vào người khác!” thì nó vẫn không thuộc về tôi.
Ngay từ lúc chào đời, con chỉ thuộc về chính bản thân nó mà thôi!
Nhận thức đó ngày càng trở nên mạnh mẽ, và khắc sâu trong trái tim tôi. Vì con không thuộc về ta, ta không thể bắt con nhìn đời theo đúng cách ta nhìn. Vì con không thuộc về ta, ta không thể trả giá thay khi con phạm sai lầm. Vì con không thuộc về ta, ta không thể bắt con phải thực hiện ước mơ của chính bản thân ta.
Và…vì con không thuộc về ta, ta không thể đau đớn thay khi con đau đớn.
Khi tôi đọc blog của Ben, nhận thức đó trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Tôi hiểu được nỗi đau của người mẹ ấy, và những người mẹ khác nữa có con đang đau bệnh. Giá như con thuộc về ta, như cái tay, cái chân, để khi nó trầy xước thì ta đau thay nó. Nhưng không được, không phải, con không thuộc về ta. Ta có thể ở ngay bên cạnh, đồng hành và yêu thương. Ta có thể động viên, la mắng, giải thích, ôm ấp, cười hay khóc cùng con. Nhưng ta không thể vui buồn, nhận thức, học hỏi, hạnh phúc, đớn đau, dũng cảm, chịu đựng hay khôn ngoan thay con được…
Vì con là một thực thể tách rời. Nhận thức ấy nhiều khi làm ta buồn không thể tả, làm ta đau nhói trong tim, nhưng nó giữ cho ta tỉnh táo.
Khi tôi làm một cái sticker cho tủ sách gia đình, in tên hai vợ chồng. Có người đã hỏi: “Sao không in cả tên Thuyên? Vì những cuốn sách này rồi cũng thuộc về nó thôi mà!”. Tôi trả lời: “Đúng vậy, những cuốn sách này và nhiều thứ khác rồi sẽ thuộc về Thuyên, cũng như những đứa em của nó sau này. Nhưng nếu nó muốn, nó sẽ phải tự in tên mình ”
Sau này tôi cũng sẽ nói với con tôi như vậy. Ba mẹ có thể sinh con ra, nhưng không thể sống thay con được. Ba mẹ có thể đặt cho con một cái tên đẹp, nhưng sẽ không tạo nên danh tiếng thay con. Ba mẹ yêu thương con hơn bất cứ thứ gì trên đời, nhưng những lời con có thể nói với thế giới này, ba mẹ sẽ không nói thay con!
2 nhận xét:
Bà ạ, tôi thì không nghĩ là mình áp đặt, mà tôi nghĩ mình cần định hướng cho con. Giáo dục gia đình từ nhỏ rất quan trọng. bà cứ suy từ nhà mình ra mà xem. Bố mẹ nghiêm khắc, con vào khuôn khổ..sau này lớn lên nó sẽ không bị chệch hướng...
Chị à, em rất thích bài viết này của chị. Bố em cũng là một người rất nghiêm khắc và nguyên tắc. Ông bắt cả 3 đứa con học đàn - là vì bố ngày xưa mê hát lắm nhưng không có điều kiện học, nên giờ các con fải học thay bố. Rốt cuộc thì sao, sau gần 10 năm học đàn, em chơi không tồi, nhưng hòan tòan không có cái say mê. :) Định hứơng cho con là nên, nhưng đừng ép buộc, em cảm nhận rõ đứa trẻ dù bé tí xíu đã có cá tính riêng của mình rồi. Hãy để chúng được là chính mình. Nếu bố mẹ hiểu được và tạo điều kiện để em được phát triển theo đúng thiên hướng của mình thì tốt quá rồi.
:) Chúc hai mẹ con Nhím luôn vui vẻ, và là những người bạn tốt của nhau mãi mãi!
Đăng nhận xét